Kí ở Praha

Độ này mình đã bớt khó tính đi nhiều và cũng khỏi buồn giận vô cớ — bắt gập đôi sóc bên đường đã thôi trách móc ai cho tụi mày có cặp, hay ngó một chiếc lá rơi đã hết thở dài cớ sao cây chẳng níu lại. Thế nên trong chuyến đi châu Âu này, cảnh cũng chiều người mà đẹp một cách thảnh thơi. Và người cũng tự chiều mình mà thả lòng theo muôn vàn gái cái đẹp ở từng góc phố con đường.

Ngưỡng mộ Praha phải kín đáo một chút, bởi thành phố đã như một nàng thiếu phụ đẹp một vẻ đẹp hơi tàn và cười một nụ cười vướng bận. Bên trong Prague Castle đã sơ sài xuống sắc mặc vẻ ngoài hùng vĩ, và những những vệt đen trắng cũng đã loang đầy trên bức tường của National Museum. Dẫu sao thì mỗi khi đêm xuống đèn lên, chút nếp nhăn ấy cũng mờ đi phần nhiều, và nàng thiếu phụ Praha lại rạng rỡ như xưa.

Prague National Museum về đêm. Còn ban ngày và cận cảnh ư?

Mình cứ ngắm nàng Praha một cách ý nhị như vậy, còn anh chàng đồng hành vẫn vô tư nhận xét thành phố theo một lối bỗ bã tương đương những kẻ ra đường xuýt xoa “Con nhà ai mà ngon mà trắng thế nhỉ.” Khi dòng người đổ dồn thán phục lối kiến trúc Gothic của Charles Bridge thì anh ta trầm trồ “Đông người thế này nhặt tiền rơi tiền vãi cũng suớng.” Và lúc tản bộ trong khu phố cổ với những quán hàng nhỏ xinh, anh ta cũng chỉ bận lòng thuê một gian ở đây chắc phải tiền triệu. Kể ra muốn trách anh ta cũng khó — hắn làm thuê bán hàng cho cô chú mình ở một khu chợ trong Praha — vì vậy cũng không nên lấy làm lạ rằng “Không biết một ngày chúng nó thu được bao nhiêu tiền” là câu của miệng của hắn.

Xét thấy khả năng thẩm mĩ của hắn như vậy, nên lúc ăn trưa xong hắn rủ đi “xem con gái Tiệp” mình chẳng khỏi nghi ngờ dè dặt. “Có cái gì hay ho mà xem,” mình ngờ vực. Hắn cười đồng lõa, “Có chứ. Đi đi thì biết.” Và phải thú thực rằng, khi bị một thằng khác rủ đi xem gái, người đàn ông khó lòng có thể chối từ mà vẫn đóng tròn vai xã hội phân cho. Điều ấy cũng tựa như khi hai người phụ nữ gặp nhau chẳng thể không vồn vã ôm hôn dẫu đôi khi trong lòng họ vô cùng dè dặt vậy.

Chính vì lẽ đó 5 phút sau thế quái nào mà mình xuất hiện trong một cái nhà thổ.

Chỉ tay về một dãy các chị đứng ưỡn ẹo trước từng ô cửa trong một cái hành lang bé xíu, hắn ta cười cười hỏi: “Thế chú thích dùng em nào?”

Mình lấy làm ngạc nhiên hết đỗi, bởi không ngờ hắn ta cũng biết nói một câu bông đùa hài hước. Và không chỉ thế, cái chứ dùng kia của hắn mới đắt làm sao — chỉ một từ thôi mà đả phá sự xấu xa của việc coi rẻ phụ nữ như một món hàng, đã kết án những kẻ với thú chơi thấp hèn và vô lương — quả thật là một ngòi bút châm biếm không thua gì Vũ Trọng Phụng, phải nói là …

“May nhá, còn vừa đủ tiền một lượt cho chú nhé,” hắn ta lục túi, hoan hỉ một cách thành thật. Hắn hỏi lại, rõ ràng là chờ  đợi một câu trả lời:

“Thế tóm lại là chú dùng em nào?”

“Ờm…”

*************

Chuyện Quốc Anh dùng em nào dù gì cũng đã xảy ra rồi, và quý độc giả sớm muộn gì cũng sẽ đuợc biết, vậy nên chúng ta cứ  từ tốn dạo qua cái chốn ăn chơi này chút đã, bởi có mấy người đã vào đến tận đây. (Hay là ai cũng biết hết rồi và chỉ có mình là ngây thơ  kể lại?)

Chìa vé vào cửa cho một anh security to như cột, bạn sẽ tiến vào một trong 200 cái nhà thổ mọc lên như nấm ở Praha sau Cách mạng Nhung (nhiều đến độ có hẳn một wiki article cho nó). Khu nhà là một dãy hành lang lờ mờ trong thứ ánh sáng tím hồng nhờ nhợ. Đi vài bước lại thấy trên tường một cái màn hình chiếu những cảnh ai cũng biết là gì đấy (và chỉ có mỗi Tuấn Ngọc là không biết là gì đấy). Xếp san sát dọc cả hành lang là những căn buồng con thiết kế thẳng thừng cho mục đích của nó — một giường, một buồng tắm. Đứng truớc từng ô cửa là một chị ưỡn ẹo trong tiếng nhạc sàn, trên người lơ lửng treo ba miếng tam giác con con hờ hững như một cái cớ không hơn.

Miệng méo xệch gần bằng Tam Tạng ở động bàn tơ, mình lẽo đẽo đi theo hắn ta luợn lờ bắt chuyện (gần bằng thôi, vì dẫu sao mình cũng biết nhiều hơn kinh Phật, và cũng không lo sẽ bị đem luộc chấm muối tiêu.)

Hắn lại giục: “Thế chú dùng em nào?”

Đến đây thì mình biết không thể nào im lặng đuợc nữa.

Mình cuơng quyết nói với hắn rằng mình thấy ghê tởm cái ý định đó, rằng mình sẽ buớc ngay khỏi chốn này. Bởi lẽ mình vẫn nhớ như in lời mẹ dặn ngay từ những ngày còn bé, rằng một người đàn ông chân chính, một công dân chuẩn mực, sẽ không bao giờ  — không bao giờ — dù trong bất kì hoàn cảnh nào nào, dẫu có nhiều cám dỗ ra sao —  đuợc vận động mạnh ngay sau khi ăn cơm. Mẹ mình bảo làm vậy sẽ mang lại những hậu quả rất chi là nghiêm trọng, tỉ như xóc bụng, hay đau dạ dầy, đến tối không ngủ được rồi sáng lại đi học muộn. Đáng sợ thế đấy, nên mình đĩnh đạc buớc ra và chẳng thèm ngoái lại.

*************

Nửa tiếng sau, lúc ngồi chờ ở bến tàu điện mình quay sang hắn hỏi:

“Ở đấy giá hết bao nhiêu ý nhỉ?”

“1200 crowns,” mình lẩm nhẩm, “Thế là 50 euros? Còn đắt hơn cả  Le Musée du Louvre và Le Musée d’Orsay cơ à?”

Thật không biết một ngày chúng nó kiếm đuợc bao nhiêu tiền.

*************

P/S: Dĩ nhiên, ở Praha mình còn chụp ảnh với Smetana và Dvorak, còn đến thăm nơi Franz Kafka thai nghén The Metamorphosis. Nhưng than ôi, tội nghiệp các ngài chưa, dẫu tôi có bản lĩnh cỡ nào cũng chẳng thể viết sao cho chuyện về các ngài hay hơn mấy bộ ngực trần.

3 comments
    • anhqle said:

      Nah I did not take any pictures at all (I figure it’s unlikely that I’d ever look back at them).

      Plus, if I ever need something for remembrance, google image will do wonderfully (just like now).

      • you are a strange man my dear. anyway, hope you’ve enjoyed Europe. 🙂

Leave a comment